Zaha Hadid là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới nhận giải thưởng thiết kế Pritzker cao quý vào năm 2004 (giải thưởng được ví như giải Nobel của ngành kiến trúc).
Nữ phù thủy kiến trúc Zaha Hadid
Mỗi khi ngắm nhìn một công trình do nữ phù thủy kiến trúc thiết kế, người xem đều có cảm giác công trình không phải là một tác phẩm tĩnh. Chúng như đang chuyển động không ngừng để cố hòa nhập vào khung cảnh đô thị đang ngày một hiện đại và hoành tráng hơn. Trường phái “giải tỏa kết cấu” của bà đang làm cho những hình hài vốn chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực.
Zaha Hadid sinh ngày 31 tháng 10 năm 1950 tại Baghdad. Bà 3mang cả hai quốc tịch Ả Rập và Anh. Sau khi tốt nghiệp cử nhân toán học tại trường Đại học Beirut Hoa Kỳ, Zaha quyết định theo học ngành kiến trúc tại Trường Kiến trúc Luân Đôn. Bà từng có thời gian làm việc và cộng tác với chính người thầy nổi tiếng của mình là kiến trúc sư Rem Koolhass vào năm 1977. Ba năm sau đó, bà thành lập hãng thiết kế riêng với phong cách “tân hiện đại” (neo-modernism). Kiến trúc mà Zaha xây dựng luôn dựa trên các hình khối có cấu trúc zic zac đa dạng, tạo nên một cơ cấu chuyển động tựa chất lỏng, khiến người xem có cảm tưởng như không gian xung quanh đang dịch chuyển không ngừng. Ngoài các công trình kiến trúc nổi tiếng đã hoàn thành từ rất lâu như Trạm cứu hỏa Vitra (Đức), The Peak Club (Hongkong), Nhà hát Opera (Wales)…, bà còn có những công trình đương đại vừa được hoàn thành hay đang trong giai đoạn xây dựng.
Dưới đây là một số các thiết kế với kết cấu khác biệt của bà:
Công trình tòa nhà lớn đầu tiên của bà Hadid tại Anh, bảo tàng Riverside ở Glasgow, đoạt giải thưởng kiến trúc năm 2013 của Hội Bảo tàng châu Âu. Tòa nhà có mái theo đường zích zắc, hướng nhìn ra sông Clyde. Công trình được xây trên nền một nhà máy đóng tàu cũ, hạn chế sử dụng cột, không gian triểm lãm rộng 7.000 m2. Chi phí xây dựng của dự án khoảng 74 triệu bảng.
Trạm cứu hỏa Vitra ở Weil am Rhein, Đức là công trình đầu tay của bà Zaha Hadid. Tạp chí Architectural Review đánh giá công trình “là minh chứng rõ ràng về quyền năng hoa mỹ của kiến trúc, và khả năng đạt được những hiệu ứng ấn tượng chỉ bằng những công cụ khiêm tốn”.
Bà Hadid chia sẻ rằng Trung tâm khoa học Phaeno, Wolfsburg là công trình “kết tinh rất nhiều điều từ công việc của tôi trong một thời gian dài”. Báo New York Times gọi đây là “tòa nhà thay đổi hoàn toàn tầm nhìn về tương lai của chúng ta”.
Cầu Pavilion là một công trình biểu tượng ở thành phố Zaragoza, Tây Ban Nha. Ngoài việc nối liền hai bờ sông Ebro, cây cầu có thêm chức năng tổ chức triển lãm quy mô lớn. “Một con đường kỳ vĩ để đi bộ qua sông”, báo Guardian nhận định.
Học viện Evelyn Grace nằm ở miền nam London mở cửa hoạt động năm 2008 với kinh phí xây dựng 36 triệu bảng Anh. Ngôi trường hình chữ Z cũng đã đoạt giải thưởng thiết kế Stirling năm 2011. Bà Hadid cho biết dự án này là công trình khiến bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì cuối cùng tài năng của bà đã được thừa nhận ở nước Anh.
Bà Hadid mô tả công trình nhà hát opera Quảng Châu, Trung Quốc như “đá cuội nằm trong dòng suối và bị bào mòn”. Công trình trị giá 130 triệu bảng Anh, được thiết kế để làm tôn lên vị trí ven sông của nó. Theo báo Guardian, đây là một trong những nhà hát opera có thiết kế “quyến rũ” nhất.
Cầu Sheikh Zayed ở Abu Dhabi có thiết kế mái vòm trên cao và những đường cong gợn sóng. Cây cầu dài 842 m và trị giá 200 triệu bảng Anh này được đặt theo tên của cựu tổng thống của UAE. Cầu đẹp nhất về đêm dưới ánh sáng rực rỡ của đèn.
Trung tâm thể thao dưới nước London được xây dựng với mục đích phục vụ Thế vận hội năm 2012, chi phí xây dựng 269 triệu USD. Bên trong là hai hồ bơi dài 50 m, sức chứa 2.500 khán giả. Tòa nhà sử dụng cửa kính tối đa để ánh sáng tràn vào bên trong.
Mẫu thiết kế Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev ở thủ đô Baku của Azerbaijan đã đoạt giải thưởng Thiết kế bảo tàng London năm 2014. Một trong các giám khảo của cuộc thi đã gọi công trình này “quyến rũ như nếp váy của minh tinh Marilyn Monroe”. Chi phí xây dựng dự án khoảng 250 triệu bảng Anh.
Công trình phức hợp Galaxy Soho ở Bắc Kinh, Trung Quốc là một trong những thiết kế mang hơi hướng vũ trụ nhất của bà Hadid. Tòa nhà 18 tầng đa chức năng, bao gồm các khu bán lẻ, khu văn phòng và khu vực vui chơi giải trí. Các cấu trúc hình vòm liên kết với nhau bằng những cây cầu khiến công trình trở nên giống một hẻm núi.
Stone Towers là một trong những mẫu thiết kế mới nhất của Zaha Hadid, gồm hỗn hợp các công trình phát triển thương mại, dịch vụ nhà hàng – khách sạn, và các khu dân cư. Nằm tại vị trí đắc địa trong thủ đô Cairo, với diện tích xây dựng 525.000m2, dự án vừa mang đậm chất văn hóa truyền thống Ai Cập, vừa thể hiện được phong cách thiết kế thiên về hình học của Zaha.
Giới kiến trúc sư nam thường không tin vào những gì các đồng nghiệp nữ làm được trong ngành thiết kế công trình. Bởi lẽ, xưa giờ, họ chỉ thường tham gia vào các lĩnh vực thiết kế nội thất hay cảnh quan. Chính Zaha Hadid đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm đó, với những tác phẩm khúc khuỷu mà uyển chuyển như những cành xương rồng đang vươn lên trong môi trường “sa mạc” đầy tính chọn lọc và khắc nghiệt này.
Theo Zing news